PLX: Khoa học công nghệ được ứng dụng ở cả 3 trụ cột & 7 lĩnh vực

Thúy HàTạp chí Công Thương
12:03' CH - Thứ năm, 14/06/2018

Điều kỳ lạ ở PLX là doanh nghiệp này có truyền thống lâu năm nhưng tính cấp tiến về khoa học công nghệ (KHCN) lại rất trẻ trung. Để tiếp tục tìm hiểu về đề tài này, Tạp chí Công Thương đã có bài phỏng vấn chuyên đề với ông Vương Thái Dũng - Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Petrolimex/PLX. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý vị bạn đọc.


Dây chuyền đóng rót dầu nhờn phuy Lubmarine tại Nhà máy Dầu nhờn Thượng Lý, Hải Phòng

Cấp tiến ngang tầm nước tiên tiến

- Thưa ông, là người phụ trách KHCN tại PLX nhiều năm liên tục, ông vui lòng cho biết khái quát về công tác này tại PLX?

KHCN là một phạm trù rất rộng. Ở PLX chúng tôi hay dùng từ “công tác kỹ thuật” - nó vừa cụ thể nhưng nó cũng có nội hàm rộng. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động thực tiễn ở PLX.

Chúng ta đều biết, PLX kinh doanh trên 7 lĩnh vực và ở đó có tất cả các loại hình sản xuất - kinh doanh: từ nghiên cứu phát triển, thiết kế xây lắp đến thi công/sản xuất sản phẩm và tổ chức lưu thông tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Có thể nói, trong mỗi khâu, mỗi lĩnh vực đều có sự hiện diện của KHCN hay còn gọi là công tác kỹ thuật như tôi vừa nói trên.

- Nếu so sánh các đơn vị trong ngành về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thì đâu là điểm nổi bật của PLX mà các đơn vị khác chưa hoặc không làm được?

Theo tôi, chúng ta sẽ không so sánh giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác một cách cụ thể.

Nhưng tôi có thể nói ngay rằng PLX rất cấp tiến trong ứng dụng KHCN vào sản xuất - kinh doanh cũng như nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và một số lĩnh vực khác.

Chúng tôi tiên phong về ERP, E-gas, E-invoice, E-office, hệ thống thu hồi hơi (VRU), bể 2 lớp (SF), mái phao hạn chế bay hơi xăng dầu tại bể trụ đứng, thu hồi hơi xăng tại cửa hàng xăng dầu, phao quây chống tràn dầu, hệ thống đo bể tự động, tự động hóa từng phần khâu nhập xuất, xuất nhập xăng dầu bằng lưu lượng kế điện tử, kho xăng dầu ngoại quan và hệ thống phương tiện vận tải thủy/bộ lớn nhất Việt Nam,….

Riêng về kho bể lớn chứa xăng dầu thành phẩm, có thể nói PLX đã đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại nhất hiện nay, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực như Thái Lan, Singapo... thậm chí là Nhật Bản.

Đó chính là PLX. Đội ngũ làm công tác kỹ thuật chúng tôi rất tự hào đã góp phần tạo lập sự khác biệt PLX trên cơ sở chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo PLX.

KHCN không chỉ đem lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh, quản trị tiên tiến mà còn xây dựng được văn minh thương mại mang bản sắc & tầm nhìn PLX.

KHCN được ứng dụng trong cả 3 trụ cột của doanh nghiệp

- Xin ông vui lòng cho biết chi tiết hơn về các lĩnh vực cụ thể của KHCN mà PLX đã áp dụng và/hoặc đang theo đuổi?

Thứ nhất, đối với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT), chúng tôi đầu tư theo hướng hiện đại, từ cảng, phương tiện vận tải cho đến cảng, kho bể, cửa hàng.

Tất cả sự đầu tư của chúng tôi đều hướng tới trang thiết bị hiện đại nhất để nâng cao năng suất lao động & hiệu quả sản xuất - kinh doanh và nâng cao hệ số an toàn về cháy nổ, an toàn về môi trường, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Thứ hai, về quản trị doanh nghiệp, chúng tôi ứng dụng ERP & Egas - đây là hệ thống quản trị hiện đại hiện nay trên thế giới mà chúng tôi vận hành từ mấy năm nay rất hiệu quả, kết nối toàn bộ hệ thống từ cấp lãnh đạo, quản lý đến từng kho bể, cửa hàng.

Tại văn phòng Tập đoàn cũng có thể theo dõi sản lượng hàng hóa bán ra ở từng cửa hàng, ở từng đơn vị thành viên; giám đốc công ty từ máy tính/điện thoại của mình có thể truy cập được tất cả các hoạt động ở tất cả cửa hàng trong hệ thống quản lý của mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả đối với hàng hóa/dịch vụ, chúng tôi cũng luôn nghiên cứu/cải tiến để nâng cao chất lượng hàng hóa/dịch vụ để đưa đến với Quý vị khách hàng một cách thuận tiện nhất, với nhiều tiện ích nhất.

Chúng tôi luôn chủ động: Một là, nâng cao được chất lượng hàng hóa/dịch vụ; hai là, sản phẩm/dịch vụ của mình hướng tới thân thiện môi trường, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ví dụ, gần đây nhất chúng tôi đưa vào diesel mức 5 - đây mà mức cao nhất cho dầu diesel trên thị trường thế giới; tức là gì? - là hướng tới bảo vệ thiết bị máy móc/động cơ phương tiện của khách hàng, nhưng cái quan trọng nữa là sản phẩm này thân thiện và bảo vệ môi trường hơn,…

- Trong các lĩnh vực KHCN mà ông vừa liệt kê, PLX ưu tiên cho những lĩnh vực nào và tại sao?

Chúng tôi hướng tới người tiêu dùng - cái đấy là cái chúng tôi ưu tiên thứ nhất.

Thứ hai là cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động PLX và bảo vệ môi trường; đương nhiên, trong đó có việc tăng cường công tác an toàn phòng chống cháy nổ.

Thứ ba là quản trị doanh nghiệp một cách khoa học, tiên tiến trên cơ sở công nghệ 4.0; bên cạnh công đó là tác truyền thông về hàng hóa/dịch vụ và động viên phong trào thi đua lao động sản xuất trong toàn hệ thống.

Làm tốt 3 việc trên thì mới có năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để phát triển bền vững.

Tại sao phải như vậy? Bởi PLX là doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Như vậy rõ ràng phải lấy khách hàng & người lao động làm trung tâm, bên cạnh đó là phải quản trị hiệu quả.

Đó là 3 trụ cột của sự phát triển doanh nghiệp, bất cứ hoạt động nào cũng xoay quanh 3 trục đó, kể cả công tác KHCN hay còn gọi là công tác kỹ thuật của PLX.

PLX 4.0 là không ngừng nghỉ

- Mấy lần phỏng vấn trước đây ông có đề cập đến dự án Hệ thống tự động chữa cháy tại cửa hàng xăng dầu và vừa nãy ông có đề cập đến bể 2 lớp (SF) - vậy, đến nay đã có kết quả gì chưa và bao giờ có thể ứng dụng đại trà ở PLX?

Bể 2 lớp (SF) công nghệ Nhật Bản và Hệ thống tự động chữa cháy tại cửa hàng xăng dầu của PLX - chúng tôi đã thực nghiệm có kết quả thành công.

Tuy nhiên, việc đầu tư đại trà đòi hỏi phải có khoản kinh phí rất lớn so với đầu tư theo quy chuẩn phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, nếu làm đại trà thì cũng cần phải có lộ trình về thời gian bởi liên quan đến thi công phức tạp đối với các cửa hàng xăng dầu đang phục vụ người tiêu dùng.

Tôi tin rằng, trong một tương lai không xa, Quý vị khách hàng sẽ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm với một vài cửa hàng xăng dầu điểm của PLX có ứng dụng những công nghệ tiên tiến này.

- Xin ông vui lòng đánh giá khái quát về hiệu quả ứng dụng KHCN đã đem lại cho PLX?

Hiệu quả sản xuất - kinh doanh ở PLX là tổng hòa của nhiều yếu tố & nhiều lĩnh vực; trong đó việc ứng dụng KHCN góp phần rất tích cực, có cái đo đếm được và có cái không thể đo đếm được.

Ví dụ, không có hệ thống ERP & Egas thì PLX không thể hoàn thành các báo cáo tài chính chính xác & đúng kỳ hạn theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh để công bố ra đại chúng như hiện nay. Đó là nói về mảng quản trị doanh nghiệp.

Còn ở mảng sản xuất - kinh doanh thì rõ ràng các ứng dụng KHCN góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và năng suất lao động cũng cao hơn. Ví như, các công nghệ về tồn chứa & vận hành xăng dầu giảm hao hụt xăng dầu, khâu điều độ hàng hóa khoa học với đường vận động hợp lý làm tốc độ luân chuyển hàng qua kho cao hơn, v.v…

Khách hàng sử dụng hàng hóa/dịch vụ PLX chắc chắn có những trải nghiệm tốt về tính chuyên nghiệp, sự yên tâm và hài lòng; bên cạnh đó, cán bộ công nhân viên - người lao động cũng có môi trường làm việc này càng tốt hơn.

- Trong xu thế CMCN 4.0, liệu có thể triển khai 4.0 tại PLX hay không và PLX chuẩn bị cho việc này như thế nào?

CMCN 4.0 được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây cùng với IoT & IoS. Bản thân tôi & nhiều anh chị em PLX cũng đã đọc bài của Tạp chí Công Thương: 4.0 ở PLX - bắt nhịp cùng thời đạiB12: Công nghệ đem lại hiệu quả thiết thực.

2 bài đó đã phản ảnh được phần nào thực tiễn ở PLX trong ứng dụng KHCN vào sản xuất - kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Khi 4.0 đã trở thành xu hướng toàn cầu của nhân loại, tôi nghĩ rằng PLX sẽ tiếp tục quá trình này với tố chất tiên phong để bắt nhịp cùng thời đại & đem lại hiệu quả thiết thực.

Với bản sắc đặc trưng là chất lính và tính tiên phong, tôi nghĩ rằng: 4.0 là câu chuyện không ngừng nghỉ ở PLX. Tôi có niềm tin rằng, PLX sẽ tiếp tục ứng dụng 4.0 ngày càng sâu rộng vào hoạt động của mình để đạt mục đích tiến xa hơn cùng tất cả chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn